Tết là dịp đoàn viên, là khoảng thời gian đầm ấm nhất của gia đình trong năm, là niềm hạnh phúc sum vầy của người lớn, sự háo hức của trẻ nhỏ. Dù cho bao thế hệ trưởng thành, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, ý nghĩa của ngày Tết truyền thống vẫn luôn vẹn nguyên trong tinh thần, nếp sống của mỗi người Việt. Mâm cỗ Tết truyền thống mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng, độc đáo riêng, được hình thành do đặc điểm khí hậu, phong tục tập quán đa dạng của người dân trên dải đất hình chữ S.
Nội dung chính
Mâm cỗ Tết miền Bắc
Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm rằng mâm cơm ngày tết đầy đủ thể hiện cho mong muốn một năm mới sung túc, ấm no vì vậy các món ngon ngày tết thường được chuẩn bị rất công phu.
Mâm cỗ Tết miền Bắc
Xuân miền Bắc đến cùng sắc hồng thắm của hoa đào, tiết lập xuân đã dần ấm áp nhưng vẫn còn lạnh rõ. Người miền Bắc đón Tết bằng những món ăn giàu năng lượng, nhiều chất béo như bánh chưng, giò lụa, nem rán, canh măng chân giò, thịt nấu đông…Trong đó, chiếc bánh trưng xanh vuông vức là thứ không thể thiếu trong mâm cơm chào xuân. Người Bắc có câu: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, tràng pháo, bánh chưng xanh… Không có thịt mỡ, không có dưa hành, không có bánh chưng là không phải ngày Tết. Bánh chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, đất trời xứ sở và là loại bánh duy nhất có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam còn được sử sách nhắc lại. Gói và nấu bánh chưng, ngồi canh nồi bánh chưng trên bếp lửa đã trở thành một tập quán, văn hóa sống trong các gia đình người Việt, đặc biệt phía Bắc, mỗi dịp Tết đến xuân về.
Do đặc điểm khí hậu của miền Bắc có không khí lạnh nên người dân miền Bắc có món ăn “tủ” mà người dân miền Trung và miền Nam không có được đó là món thịt đông. Thịt đông miền Bắc là một món ăn khác độc đáo, chỉ ăn được khi đã để nguội lạnh, thường ăn vào những ngày đông giá và vào lúc xuân sang. Nó càng độc đáo khi chẳng ai lý giải tại sao mùa lạnh lại ăn một món nguội lạnh như thế. Ăn thịt đông cùng với bánh chưng, hoặc với cơm thêm dưa hành là đủ cảm nhận hết hương vị của ngày Tết.
Giản dị Tết miền Trung
Khác với cách ăn Tết của người dân miền Bắc, người dân miền Trung đón xuân với các món ăn dân dã nhưng không kém phần cầu kỳ như: tôm chua, dưa món, nem chua, tré, bò ngâm màu trầm, ít dùng chả lụa mà là chả bò và giò thủ nhưng đặc biệt phải có thịt chua và tai heo… ngoài ra, các món đặc sản như bánh lá, bánh nộm là không thể thiếu. Riêng tại Huế, món ăn truyền thống Tết, dù dung dị đến đâu, vẫn là những mỹ vị cao sang, đẹp và thơm ngon không kém các món cung đình nhờ được chế biến công phu và tinh tế.
Trong mâm cỗ ngày Tết của người dân các tỉnh miền Trung khổng thể thiếu dưa món và cũng tùy theo khẩu vị của từng vùng mà cách làm có chút khác nhau. Dưa món là món ăn phải được sửa soạn làm từ cả tháng trước Tết. Nguyên liệu để làm dưa món cũng rất đơn giản và dễ tìm: su hào, cà rốt, đu đủ, củ cải trắng, ớt đỏ, củ kiệu… Tất cả được cắt lát mỏng, nhưng không được quá mỏng, tỉa hoa cho đẹp, cũng là để dễ thấm nước mắm, sau đó trải ra phơi nắng trên những cái mẹt hay mâm. Dưa món ngon là khi nhìn thấy nước mắm trong vắt, củ cải trắng, cà rốt đỏ, dưa xanh… cắn vào một miếng là thấy dòn dòn, mằn mặn, ngọt ngọt. Dưa món dùng để ăn với bánh chưng, bánh tét.
Bên cạnh những món mặn, tôm chua cũng là món ăn rất được người miền Trung ưa thích trong dịp Tết. Tôm chua phải ăn cùng thịt luộc, mà phải là thịt ba chỉ mới gọi là sành ăn. Thường người ta có thể ăn thêm khế chua, chuối chát để không “sôi” bụng, mà lại ăn được nhiều tôm chua hơn.
Độc đáo ẩm thực Tết miền Nam
Người miền Nam ăn Tết trong sắc mai vàng rạng rỡ, cùng với những món ăn đặc trưng của vùng khí hậu nóng như: thịt kho hột vịt, thịt kho dưa giá, tai heo ngâm giấm, canh khổ qua (ăn cho qua nỗi khổ), giò bì làm từ thịt nạc trộn bì heo, giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo… Người dân miền Tây còn có món cá lóc hấp hay nướng, cuốn bánh tráng rất hấp dẫn. Mâm ngũ quả ở miền Nam có đủ các sản vật của miệt vườn mà ít nơi nào bì kịp: dưa hấu, xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn…
Đặc biệt, ngoài bánh chưng, người dân nơi đây có thêm bánh tét. Nguyên liệu và cách làm cũng gần giống như bánh chưng của niềm Bắc nhưng bánh được gói bằng lá chuối mà không phải bằng lá dong như ở miền Bắc. Nếp thường được xào nước cốt dừa trước khi gói để tăng vị béo và rút ngắn thời gian nấu. Nhân bánh tét cũng có phần phong phú hơn, bánh tét ngoài nhân bằng đậu xanh, thịt ba rọi (thịt ba chỉ) còn có bánh tét nhân đậu đen, nhân chuối. Đặc biệt, còn có loại bánh tét thập cẩm với đủ vị phong phú: trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn với nhân đậu xanh
Tết là dịp dành cho mọi người, mọi nhà cùng nhau sum họp, vui vầy. Bữa cơm đoàn viên ngày Tết là thời khắc đầm ấm, gắn kết mọi người. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt.
🏡 Cuốn 1: số 18 Đoàn Trần Nghiệp, HBT, HN 📞 0243 978 1096 🏡 Cuốn 2: tầng 3 nhà D2, Giảng Võ, BĐ, HN 📞 0243 201 8555 🏡 Cuốn 3: 17T6 Hoàng Đạo Thúy, TX, HN 📞 0246 251 2181 🏡 Cuốn 4: Tầng 1, Sunrise Building, 90 Trần Thái Tông, CG, HN 📞 0243 200 8889 Nhà hàng Hoolong – Dumpling Bar 🏡 số 18 Đoàn Trần Nghiệp, HBT, HN 📞 0243 978 1096Nhà hàng Cuốn n Roll